Khởi đầu tự chủ - Sáng tạo tương lai Khởi đầu tự chủ - Sáng tạo tương lai

Hệ thống giáo dục Newton – Pascal: Sự thay đổi hữu hiệu

         Đại dịch Covid-19 đang hoành hành và đe dọa tính mạng con người trên toàn cầu. Đất nước và nhân loại đang gồng mình chống dịch. Chưa bao giờ tình yêu Tổ quốc và lòng nhân ái của con người lại gắn kết bền chặt như vậy. Và đây cũng là lúc tinh thần trách nhiệm, nghị lực, sự sáng tạo và khao khát được sẻ chia ở mỗi cá nhân lại tỏa sáng. Mỗi ngành, mỗi nghề, mỗi lĩnh vực đều tìm cách vượt lên khó khăn để công việc vẫn chảy trôi, để cuộc sống vẫn nhẹ nhõm, lạc quan về tinh thần, để thấy được trong “cái khó, ló cái khôn”, thấy rõ được Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua ranh giới ấy” (Nguyễn Khải). Phá vỡ những ranh giới trong nhận thức để tiếp cận những cái mới, để hòa nhập với xu thế chung tiến bộ của xã hội, của thời đại là con đường tất yếu, trong đó có ngành Giáo dục, có hệ thống Giáo dục Newton – Pascal.

           Làm thế nào để cô trò vẫn kết nối với nhau, những kiến thức, những kĩ năng, những hoạt động dạy và học, những buổi sinh hoạt lớp, những hoạt động tập thể vẫn duy trì? Làm thế nào để mái trường này vẫn đảm bảo công ăn việc làm cho cán bộ giáo viên, công nhân viên? Trong hơn hai tháng qua, BGH, HĐQT và thầy cô Hệ thống Giáo dục Newton – Pascal cũng đã lặng lẽ tìm con đường đi cho mình với sự tự tin, với niềm vui lớn – những niềm vui có được từ chính sự nhọc nhằn, vất vả, từ chính sự đón nhận của Phụ huynh, học sinh và sự khẳng định của xã hội.

          Một trong những cách duy trì thành công những kết nối đó chính là dạy học Online trực tuyến kết hợp bài giảng online – một hình thức dạy học phổ biến ở thế giới, và bắt đầu ở Việt Nam.

          Nếu nhìn dưới góc độ khác, sự sợ hãi đối với Covid-19 sẽ thúc đẩy những thay đổi trong cách làm việc của các doanh nghiệp – mà bản chất là những việc này đã được chuẩn bị một thời gian dài hay thậm chí đang bắt đầu diễn ra rồi.

         Dạy học online, tại sao không? Khi học sinh ở Việt Nam từ bậc THCS đã được làm quen với máy tính, với điện thoại thông minh, đã được học môn Tin học trong nhà trường.

         Dạy học online, tại sao không? Khi đại dịch chưa biết đến bao giờ sẽ được khống chế hoàn toàn, thời gian các con phải ở nhà có thể sẽ kéo dài hơn khi đã qua tháng 3…? Và các con sẽ làm gì, sẽ học gì trong kì nghỉ dài không mong muốn này?

         Dạy học online, tại sao không? Không chỉ chuyện học hành, thi cử, chúng ta phải tìm  những biện pháp nào giúp học sinh vượt qua sự bất ổn về cảm xúc khi buộc phải tạm xa thầy cô, bạn bè một thời gian dài.  Đặc biệt những gia đình mà bố mẹ bận rộn công việc, làm sao để học sinh tránh được cảm giác cô độc khi ở nhà một mình?…

         Dạy học online, tại sao không? Vì đây là hình thức tạo cơ hội để các con có những tương tác với thầy cô, với bạn bè, với  xã hội, dù là qua mạng nhưng vẫn như trên lớp.

        Dạy học online, tại sao không? Khi giáo viên và học sinh  yên tâm ở nhà học tập và làm việc, không phải ra ngoài trong mùa dịch này. Như vậy đảm bảo được sức khỏe cho cả người học cũng như người dạy.

         Dạy học online, tại sao không? Khi giáo viên vẫn vào dạy theo đúng lịch trình, kế hoạch đã có từ trước, theo đúng thời khóa biểu và kế hoạch dạy học, khi cả một hệ thống giáo dục của nhà trường vẫn vận hành một cách đều đặn, chắc chắn và có hiệu quả như trên lớp.

       “Chúng ta có thể có quan điểm riêng, nhưng tại sao chúng lại phải là trở ngại ngăn trái tim gặp gỡ?” (“We may have our private opinions but why should they be a bar to the meeting of hearts?”)  Mahatma Gandhi. Ở đâu đó tôi thấy có câu: “Nếu nhìn dưới góc độ khác, sự sợ hãi đối với Covid-19 sẽ thúc đẩy những thay đổi trong cách làm việc của các doanh nghiệp – mà bản chất là những việc này đã được chuẩn bị một thời gian dài hay thậm chí đang bắt đầu diễn ra rồi”

         Và chính tình yêu người, yêu nghề cùng ý thức trách nhiệm đối với công việc, đối với nhiệm vụ và mục tiêu của năm học, thầy cô, qua những nhạc trưởng tài ba là BGH và HĐQT, nhịp độ của công việc luôn có sự phối hợp, gắn kết và đạt kết quả khả quan nhất. Những bài báo, những trang tin, những buổi giao lưu, gặp gỡ của  phụ huynh và trò Hệ thống Giáo dục Newton – Pascal trên kênh truyền hình VTV1 – VTV24 đã khẳng định điều đó.

(Hình ảnh của thầy và trò Hệ thống Giáo dục Newton – Pascal trên kênh VTV1)

(Hình ảnh của thầy và trò Hệ thống Giáo dục Newton – Pascal trên kênh VTV1)

 Để có những thành công bước đầu này, thầy cô đã phải làm việc gấp nhiều lần  ngày thường. Chuẩn bị giáo án, lên kịch bản, dạy thử, quay thử, rút kinh nghiệm,  quay lại video, làm lại clip, được BGH và HĐQT duyệt rồi mới gửi cho phụ huynh và học sinh để các con học.

(Cả ê kíp cùng chuẩn bị để quay video cho một giờ học)

(Giáo viên trong một giờ lên lớp trước ống kính máy quay)

Rồi thầy cô lại chuyển sang hình thức dạy học mới qua phần mềm, chương trình hỗ trợ học trực tuyến ROOM, giao bài tập và kiểm tra định kì qua CLASSROOM, rồi qua TRANS… BGH phân công giám thị theo dõi giờ học, phân công Phó chủ nhiệm giám sát, động viên học sinh của lớp mình, rồi cuối tuần, phụ huynh nhận được kết quả cùng lời nhận xét của GVCN. Cả một ê kíp làm việc chặt chẽ, năng động và nhiệt tình của tập thể Hệ thống Giáo dục Newton – Pascal.

(Thầy và trò qua một giờ học trực tuyến- phần mềm Zoom)

Tuy nhiên, những kết quả trên mới chỉ là bước đầu. Để đi đến việc dạy và học online thành công hơn, cần có nhiều cải tiến, sức lao động và sáng tạo của thầy và trò cùng sự hỗ trợ, động viên của các bậc phụ huynh, các tổ chức xã hội hơn.

Vì vậy, những ý kiến trái chiều thay vì chỉ kêu ca, phàn nàn, chỉ trích, … có lẽ sẽ tốt hơn, nhân văn hơn nếu đưa ra được những  ý kiến đóng góp, những giải pháp hữu hiệu để chúng ta cùng đồng hành trên một chặng đường đi tới mục tiêu tốt đẹp nhất: Tất cả vì học sinh thân yêu!

Hệ thống Giáo dục Newton – Pascal, ngày 30 tháng 3 năm 2020

Người viết : Hà Thị Hòa – Giáo viên.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

x
Field is required!
Field is required!
Field is required!
Field is required!
Field is required!