MIẾNG NGON HÀ NỘI
Passer Nguyễn Nhật Anh lớp 8A1 – học sinh đạt giải nhất “Đọc sách cho tâm hồn”
Tôi cùng mẹ lang thang, mon men đến một quán bánh ướt thịt nướng nghi ngút khói ở Hội An. Trong cái quán xập xệ là thế, nhưng rồi bỗng hóa tiện nghi sang trọng từ khi tôi cắn miếng bánh cuốn nhồi đầy rau thịt đầu tiên. Bỗng dưng tôi nhớ về Hà Nội, và tự hỏi, ngoài bún phở ra, thì cái thành phố quá tải ô nhiễm đầy khói bụi mà con người vẫn cố chen chân vào sống ấy liệu có nhiều những món ăn truyền thống đặc trưng như nơi đây?
Và câu trả lời chính là cuốn sách” Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng.
Vũ Bằng – tên thật là Vũ Đăng Bằng, là một người con mến thương của Hà Nội. Ông sinh năm 1913 và mất năm 1984. Ông là người có sở trường về viết truyện ngắn, tùy bút, bút ký và cũng là người có tiếng trong làng văn thời tiền chiến. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến Miếng ngon Hà Nội (bút ký, 1960), Miếng lạ miền Nam (bút ký, 1969) và Thương Nhớ Mười Hai (hồi ký, 1972). Vũ Bằng không chỉ là một người sành ăn, kỹ tính mà còn yêu thương Hà Nội tha thiết, sâu đậm. Vào mùa thu năm 1952, dưới tiết trời vẫn còn mát mẻ và lá cây rơi rụng, Vũ Bằng đã viết nên cuốn bút kí “Miếng ngon Hà Nội”. Cuốn sách không chỉ về “miếng ngon”, mà còn gợi nhớ về hình ảnh một xứ Bắc Kỳ cổ xưa đầy mộng mơ.
Khi đọc Miếng ngon Hà Nội, ta sẽ cảm nhận thấy được ngay nỗi niềm nhớ nhung và tình yêu Hà Nội thiết tha của Vũ Bằng. Ngòi bút thấm đượm nét cổ kính trữ tình của ông đã tái hiện hình ảnh một Hà Nội xưa cũ chân thực, mộc mạc mà hóm hỉnh qua những món ăn độc nhất chỉ có ở Hà Nội. Đó chính là 15 món ăn tạo nên nét ẩm thực độc đáo xứ Kinh Kỳ. Ta phải kể đến món phở bò, bánh cuốn, rươi, tiết canh cháo lòng, cốm vòng và còn nữa. Mỗi món ăn được miêu tả kỹ càng, từ nguyên liệu, hương vị, cách bày trí đến cách thưởng thức của người dân địa phương. Và chân thực đến nỗi từ dòng chữ cũng thơm ngon và những trang sách như thể một mâm cỗ đầy ắp những món quà bánh của ẩm thực Hà Thành. Cuốn sách “Miếng ngon Hà Nội” như một minh chứng rõ ràng cho một nền ẩm thực tinh hoa đạt đến đỉnh điểm của sự thanh cao thời bấy giờ.
Và, như Vũ Bằng đã viết, mỗi khi nhớ về Hà Nội, cái ta nhớ đầu tiên chính là Cốm. Cái thứ gạo dẻo thơm mùi sữa dịu hiền màu ngọc thạch được những cô hàng cốm rón rén gói lại vào trong cái tàu lá sen mát lạnh, tạo thành một cái kén xanh biếc, nằm thanh thản bao lại hạt ngọc bên trong mà ẩn chứa gì đó kỳ bí để rồi những con người hiếu kỳ như tôi lại phải cẩn thận rẽ từng kẽ lá ra ngắm thứ ngọc ngà của lúa non. Cốm có một mùi hương sữa, dịu nhẹ, thủ thỉ ôm lấy mà vỗ về những đứa con xa xứ nhớ về quê hương, ủ ấm nó mỗi độ thu về. Cốm, hay ta vẫn nói là một thức quà của lúa non, đã trở thành cái đặc biệt nhất của Hà Nội mà chẳng vùng miền quê nào có được. Mùa thu, mùa của cốm, mùa của nỗi nhớ nhung bao chuyện ấm lòng chung quanh mẹt cốm, bao nhiêu tình cảm xưa cũ buồn vui, mà gợi nhớ lại thấy hiu hiu buồn…
Cốm, ngon từ cách chế biến, từ hương vị, từ cái lá sen gói gọn, ngon đến cách ăn, cách thưởng thức, ngon từ cái tục sêu tết, kết duyên. Cốm như hòn ngọc lục bảo quý của nền ẩm thực Hà Nội, như một nhân chứng của những cuộc tình duyên tốt đẹp, như hồng cốm tốt đôi. Cốm đã đạt đến tuyệt đỉnh so với một thức quà dân dã, không có gì có thể thay thế được cốm trong lòng những người con yêu Hà Nội tha thiết. Và chỉ cần một sự thay thế nhỏ cũng sẽ biến món ăn trở nên lai căn, biến chất.
Miếng ngon Hà Nội đưa tôi đến với phố cổ Hà Nội những năm 95 của thế kỉ trước. Khi mà đường phố nhộn nhịp nhuốm màu vàng ươm không chỉ của cái nắng dịu nhẹ, của cây cối hoa cỏ mà còn của những ngôi nhà màu vàng ngà, đã bạc đi cùng nắng gió hay đã được rêu phủ kín. Và tôi nhớ về những mái ngói nâu đỏ, cao thấp chen nhau xếp xít vào những lề đường. Diện mạo ẩm thực hiện lên ở những hàng người nối đuôi nhau xếp hàng dài chực chờ mua được một tô phở nóng hổi trong một buổi sáng se lạnh, hay những tiếng rao vang vào tận trong ngõ hẹp của các cô hàng bánh. Cái ăn như một nghệ thuật, để ăn ngon không chỉ phải chọn hàng ăn chất lượng, mà còn phải thưởng thức từ cách người bán làm ra món ăn, đến khi bưng ra đĩa nóng hổi, từ cách ăn đến thưởng thức. Ăn khi nào, và ở đâu. Dường như, với những tín đồ ăn uống như tôi, ẩm thực đã thành cả một tôn giáo đầy đủ những tín ngưỡng thờ cúng.
Đọc xong cuốn sách, tôi lại cảm thấy hổ thẹn vì tự xưng là sành ăn uống, đi đâu cũng ních đầy bụng những thức quà đặc sản trước tiên mà đến những thức quà dân dã của quê nhà tôi cũng không biết. Cuốn sách như xoay chuyển ánh nhìn của tôi về Hà Nội, và dội một gáo nước lạnh vào cái ý nghĩ “Hà Nội thì chỉ có phở bò với bánh cuốn là cùng!”. Tự dưng tôi lại muốn thử hết những món ăn đặc biệt của ẩm thực Hà Nội kia. (Nhưng tôi không thử tiết canh với thịt chó đâu, âu biết đó là một nét văn hóa không nên kỳ thị, nhưng tiết canh với thịt chó thì không được an toàn cho lắm). Vì tôi yêu Hà Nội nhiều lắm, như cái cách Vũ Bằng nhớ nhung và gửi gắm tình yêu thương ấy vào ngòi bút điêu luyện khi viết hồi bút kí kia. Tôi khao khát muốn được thưởng thức hết những món ăn từ Hà Nội xưa, từ tô phở, cháo lươn đến những món ăn mà ngay cả mẹ tôi cũng chưa từng ăn qua như bánh xuân cầu. Và nguyện sẽ ghi nhớ hết những địa chỉ cho “những kẻ sành ăn” và cách ăn trong sách, để sau này nếu người ta có phát minh ra cỗ máy thời gian, thì tôi sẽ cố sống cố chết quay về đó mà ăn hết sạch những món ăn được giới thiệu trong sách (và nếu gặp được Vũ Bằng thì tốt quá!).
Miếng ngon Hà Nội đã đánh thức lòng yêu thương Hà Nội tha thiết của tôi. Sau bao nhiêu thăng trầm lịch sử, Hà Nội bây giờ hiện lên trước mắt tôi một cách phồn thịnh, nhộn nhịp mà lại lãng mạn hơn cả. Lòng tôi đã si mê xứ Kinh Kỳ từ khi nào không biết. Kể cả khi xứ kinh đô xưa đã phát triển và hội nhập, thì trong một ngõ hẻm nhỏ nào đó, vẫn còn những thức quà ẩm thực làm nức lòng người xưa. Đột nhiên tôi lại ngân nga câu hát:
“Em ơi, Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ
Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm.”
– Passer Nguyễn Nhật Anh lớp 8A1-